Xe Đức hướng tới phong cách sang trọng, thể thao còn xe Nhật tạo ra sự bền bỉ để chinh phục những lớp khách hàng riêng.
Tôi theo dõi các bài viết và bình luận của độc giả trong mục xe đang tranh cãi nhiều về độ bền của xe Nhật-Đức và Hàn. Các bạn chỉ bàn về cơ khí như là hiểu rõ lắm về công nghệ thế giới, như những kỹ sư hàng đầu, nhưng lại quên mất các hãng xe vốn dĩ là các công ty kinh doanh và họ phải tạo cho mình cái giá trị cốt lõi riêng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của công ty, tạo cho mình khách hàng trung thành với tiêu chí của mình đặt ra. Tôi xin được phân tích như thế này:
Không phải xe Đức họ không làm bền được, các bạn cứ thử xem những mẫu Mercedes, BMW hay Ford từ đời đầu cách đây vài chục năm vẫn chạy được đấy, nhưng xe Nhật thì còn phải xem lại. Vấn đề bây giờ là thời đại kinh tế, các hãng xe châu Âu, Mỹ họ không muốn làm như thế nữa và họ tự đặt ra giới hạn sản phẩm để tối ưu hóa lợi nhuận có thể lấy được của khách hàng. Tương tự như trong ngành điện thoại di động hiện tại, hầu hết sản phẩm bình dân chỉ dùng đến 2 năm và cao cấp chỉ dùng 3-5 năm là kiểu gì cũng đã lỗi thời và tự hỏng dù do phần cứng hay phần mềm, đó là chiêu để bắt buộc khách hàng phải mua đời cao hơn hoặc sửa chữa.
Trong công nghiệp ôtô cũng thế, Đức, Mỹ họ tạo ra những sản phẩm lái phấn khích, chất lượng vô địch về độ đầm và tìm khách hàng trung thành có tài chính rủng rỉnh vì đây là nhóm khách hàng công ty thu được lợi nhuận nhiều nhất nếu những người này hài lòng khi cầm vô-lăng. Các hãng xe Đức đã tính trước độ bền linh kiện và chiếc xe có thể dùng đến đâu buộc khách hàng phải móc tiếp hầu bao hoặc nâng cấp lên thế hệ tiếp theo mà không sợ mất khách. Bởi lẽ họ tin cảm giác lái này chỉ có xe phân khúc cao của Đức hoặc Mỹ mới đem lại được, tương tự như triết lý Apple vẫn áp dụng bấy lâu.
Những khách hàng quá chú trọng đến độ bền của sản phẩm chứ không phải giá trị cảm xúc mà sản phẩm mang lại thì hầu hết không có quá nhiều tiền và hãng cũng không "vắt được nhiều sữa" từ họ. Một hãng xe định vị mình ở phân khúc cao chắc chắn sẽ không phục vụ tất cả mọi người vì nếu ai cũng có thể mua C200 như mua Vios thì không còn gọi là đẳng cấp. Những món phụ tùng vốn 100 USD mà có thể bắt khách móc ra đến 1.000 USD.
Ngược lại, độ bền, dễ sửa chữa và chi phí thấp là thế mạnh gần như duy nhất của các hãng Nhật, vốn dĩ đã thua về công nghệ lái và tối ưu hóa cơ khí so với Đức, Mỹ. Họ phải làm những chiếc xe thật dễ sửa chữa và không có gì để hỏng vì tệp khách hàng của họ không giàu có như phân khúc của xe Đức.
Còn với xe Hàn do sinh sau đẻ muộn nên họ buộc lòng phải nằm chiếu dưới, phục vụ khách bình dân nhất với những sản phẩm đẹp nhưng phải thật cạnh tranh về giá. Gần đây có Hyundai đang cố gắng ngoi lên tệp khách hàng của xe Nhật và xe bình dân Mỹ và họ cũng có nhiều bước tiến đáng kể với các dòng cao cấp đấy thôi.
Tóm lại, trong ngành công nghiệp ôtô, cũng như các ngành kinh tế khác, mỗi hãng đều định vị đường đi riêng của mình. Trong thế giới phẳng và kinh tế hóa hiện nay, không thể nói xe Nhật luôn bền hơn Đức hay ngược lại. Nhưng yếu tố quan trọng là giá trị cốt lõi mà mỗi hãng chọn đem đến cho khách hàng và khách hàng có đón nhận hay không, có giúp họ sinh lãi như kỳ vọng không.